PHƯƠNG THỨC DẠY TRỰC TUYẾN NÀO SẼ CÒN TỒN TẠI SAU ĐẠI DỊCH?

Đại dịch Covid-19 đã làm “giãn cách xã hội” cả thế giới, ngành giáo dục đã phải đảo chiều chuyển sang dạy trực tuyến. Vậy phương thức dạy trực tuyến nào hiệu qủa, để có thể duy trì tiếp sau đại dịch?

Khi học sinh đi học trở lại có còn áp dụng hình thức học online nữa không? Đó là câu hỏi của nhiều nhà giáo dục và phụ huynh đang trăn trở, bởi học sinh nói chung đã có 1 thời gian dài làm quen và thích ứng với hình thức dạy học mới mẻ này. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của ông Cao Xuân Hoài Vương – Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Trực tuyến Unica trong đoạn phỏng vấn dưới đây.

Câu hỏi 1: Lời đầu tiên xin được cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay. Như chúng ta đã thấy, sau 1 thời gian dài học sinh, sinh viên bắt buộc phải học online vì đại dịch, thì bây giờ, từ cấp mầm non đến đại học đều đã được đến trường. Tuy nhiên, nhìn vào những mặt tích cực của dạy học online có thể khẳng định, môi trường online khiến học sinh chủ động hơn, tiếp cận được nhiều nguồn tài nguyên học tập sinh động, tương tác đa chiều với tất cả các bạn trong lớp và với giáo viên…vv so với cách giảng dạy truyền thống. Vậy ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này.

Gần đây tôi có được trao đổi với cô hiệu trưởng của một trường tiểu học có tiếng của Hà Nội. Ban lãnh đạo nhà trường đều nhận ra rằng là sau thời gian áp dụng dạy học trực tuyến, nhà trường đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh vẫn việc đảm bảo chất lượng của học sinh, học trực tuyến còn khiến học sinh chủ động tương tác hơn, hào hứng hơn với những bài học tương tác sinh động, những trò chơi tương tác theo nhóm…

Nhận ra được những hiệu quả tích cực này, tôi cho rằng, rất nhiều nhà trường sẽ tiếp tục vận dụng những công cụ giảng dạy trực tuyến áp dụng vào các tiết học trên lớp. 

Không chỉ vậy, việc học trực tuyến có lẽ là cú hích mạnh mẽ giúp việc chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra nhanh hơn, đặc biệt trong tư duy của những người làm giáo dục. 

Theo đó, các trường học sẽ “gạn đục khơi trong”, áp dụng những bài học thành công từ việc đào tạo trực tuyến, áp dụng trong bối cảnh mới để gia tăng hiệu quả trong đào tạo.

Đối với giáo dục đại học chẳng hạn, nhà trường sẽ nâng cao năng lực tự học và chủ động của học viên bằng cách áp dụng mô hình blended learning. Theo đó, học viên sẽ được chủ động học tập một phần nội dung bài giảng dưới dạng tài liệu và video ghi sẵn trước khi đến lớp và thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập, trao đổi nhóm, tương tác và hỏi đáp giữa thầy và trò.

>> Các phương pháp giảng dạy trực tuyến hiêudj quả

>> Cách tăng quy mô lợi nhuận từ việc bán khoá học online của bạn

>> Mẹo để triển khai Elearning trong dạy học trực tuyến

Câu hỏi 2: Từ đại dịch Covid-19 thì phương thức học trực tuyến lên ngôi, có 2 trạng thái của dạy học trực tuyến: Thứ nhất là thực hiện việc dạy học trực tuyến theo thời gian thực tạm gọi tắt là ROT(Real time Online Teaching); Thứ hai, tổ chức lớp học, triển khai các hoạt động dạy và học trên các kênh online  tạm gọi tắt là ODC (Online Delivery Courses). Vậy ông có thể cho biết những ưu và nhược điểm của 2 hình thức học trực tuyến này, được không ạ?

Hiện tại ở Việt Nam, mô hình học trực tuyến chủ yếu là mô hình đầu tiên, dạy học trực tuyến thời gian thực qua các công cụ như Zoom và Google Meet. Đây là giải pháp bắt buộc trong giai đoạn Covid, khi nhà trường buộc phải dịch chuyển lên học online. 

Ưu điểm của hình thức này là tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí và thời gian. Nhà trường sẽ giảm được chi phí tổ chức lớp học, gia đình sẽ tiết kiệm thời gian đưa đón, di chuyển.

Mặt khác, với hình thức dạy trực tiếp, các giáo viên cũng có cơ hội để áp dụng nhiều hình thức và công cụ giảng dạy mới, khiến bài học trở nên thú vị hơn.

Nhược điểm của hình thức này là yếu tố đáp ứng về mặt công nghệ, của cả nhà trường và phụ huynh, rất nhiều học sinh thiếu điều kiện chỉ có thể học qua chiếc điện thoại với màn hình bé tí của bố hoặc mẹ. Mặt khác, việc học từ xa khiến việc giám sát kỷ luật trở nên khó khăn hơn, khiến nề nếp học tập của các em bị ảnh hưởng, đặc biệt với các bạn ý thức yếu. Hệ quả là sau dịch, rất nhiều học sinh bị hổng kiến thức trầm trọng và bố mẹ phải cho con học gia sư để bù đắp một phần lỗ hổng kiến thức.

Mô hình ODC hay còn gọi là hình thực dạy học qua các nền tảng trực tuyến LMS với các bài giảng được thiết kế sẵn, thực tế là mô hình đã phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những trường đại học đầu ngành. 

Ở Việt Nam, hình thức này có thể nói còn khá mới mẻ, mới chỉ được áp dụng chủ yếu một vài trường đại học. 

Đây là hình thức có thể nói phù hợp cho giáo dục đại học và cao đẳng, và trong một chừng mực nào đó, là giáo dục trung học phổ thông. Sở dĩ tôi nói vậy vì hình thức này tập trung vào tính chủ động của học sinh, khả năng nghiên cứu, tự học cao, do đó, sẽ có phần thiếu hiệu quả nếu áp dụng cho lứa tuổi nhỏ hơn như học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Ưu điểm của hình thức này là giúp cho sinh có khả năng chủ động học tập, xem lại bài giảng mọi lúc mọi nơi. Điều này là điều vô cùng quan trọng với sinh viên đại học, khi nhiều tiết giảng, giảng viên nói nhanh khiến các em không theo kịp. 

Ngoài ra, học sinh cũng có thể linh hoạt lựa chọn các chủ đề và môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tương lai của giáo dục sẽ là tính cá nhân hóa, và mô hình ODC sẽ cho phép học sinh được toàn quyền lựa chọn họ được học gì, sẽ nhận bằng cấp gì và trở thành ai trong tương lai thay vì phải đóng khung vào một lộ trình đào tạo cứng nhắc trong suốt 4 năm học. 

Mô hình này khiến việc hợp tác giáo dục trở nên dễ dàng hơn. Trong tương lai, một trường đại học của Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp với các trường đại học tại Mỹ, Canada hay Úc để cấp những tín chỉ học được chứng nhận quốc tế. Và sinh viên sẽ có cơ hội được học từ những giảng viên đầu ngành từ những trường đại học tên tuổi.

Thực tế, rất nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Standford và MIT đã cung cấp những chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí hoặc có phí trên nền tảng của họ hoặc trên các nền tảng khác như Coursera và Edx. 

Điều này có thể nói đã phá vỡ các ranh giới về địa lý, giúp một sinh viên ở một tỉnh miền Trung của Việt Nam cũng có thể có cơ hội học tập những chương trình cao cấp của những trường đại học của Mỹ. 

Câu hỏi 3: Theo như tôi hiểu thì ODC sẽ vượt qua ROT, là phương thức chủ đạo của giảng dạy trực tuyến, và nó có thể song hành cùng phương thức dạy -  học truyền thống. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này ạ?

Mô hình đào tạo trực tiếp ROT có thể nói là một giải pháp tình thế trong giai đoạn Covid vừa qua. Khi covid kết thúc, việc  giảng dạy qua hình thức này tất nhiên sẽ giảm đáng kể do giảng viên đã có thể đến lớp và dạy trực tiếp. 

Trong khi đó, mô hình ODC, với ưu điểm là không phụ thuộc vào sự có mặt của giảng viên, khiến việc nhân bản đào tạo trở nên không giới hạn. 

Một khóa học có thể có hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn học sinh từ nhiều quốc gia.

Chi phí đào tạo giảm đáng kể, có thể chỉ bằng ⅕ so với các chương trình đào tạo truyền thống. Ví dụ từ năm 2014, Georgia Tech, một đại học công nghệ tầm cỡ, đã tung ra khóa thạc sĩ trực tuyến về khoa học máy tính. Sinh viên chỉ phải tiêu tốn 7.000 USD, tương đương 1/6 chi phí của chương trình học tại giảng đường. Hiện nay, có gần 10.000 sinh viên theo học khóa này, biến nó thành khóa học về khoa học máy tính lớn nhất nước Mỹ.

Theo tôi, các chương trình học dưới dạng các khóa học ngắn hạn sẽ là tương lai của giáo dục đại học. Vì như tôi có nói ở trên, nó phá vỡ mọi rào cản về tri thức và tạo điều kiện cho sinh viên học mọi kỹ năng các em muốn học, đưa các em trở thành trung tâm của việc học. 

Việc kết hợp đào tạo song  hành online và offline sẽ giúp giảng viên giảm thiểu thời gian giảng dạy những bài học mang tính lý thuyết và tập trung vào những tiết học có ý nghĩa hơn trên lớp. Mô hình blended (kết hợp) này đã được áp dụng ở nhiều trường đại học trên thế giới và nó chính là một công cụ hiệu quả cho mô hình giáo dục trong thế kỷ 21, khi học viên không chỉ cần kiến thức mà cần phát triển nhiều hơn năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực làm việc nhóm và giải quyết vấn đề.   

>> 4 kỹ năng giảng viên cần có trong thời đại 4.0  

>> Các chiến lược bán khoá học trên các nền tảng xã hội

>> Kỹ thuật kể chuyện hiệu quả trong dạy học trực tuyến

Câu hỏi 4: Tuy rằng hình thức dạy học trực tuyến ROT không có nhiều ưu điểm như ODC, nhưng khi quay trở lại lớp học trực tiếp hiện nay, rất khó để mỗi học sinh có một thiết bị điện tử trên lớp học, để tương tác như học online tại nhà. Tuy nhiên, nếu lớp học có máy tính giáo viên, máy chiếu hoặc tivi, với các buổi học dạng ROT, có thể tổ chức các hình thức như: mời chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn nói chuyện chuyên đề (liên quan đến nội dung giảng); giảng dạy một số nội dung lý thuyết; trao đổi, hỏi đáp nhanh ngoài giờ giữa giáo viên và người học; thực hiện các seminar theo nhóm người học…vv. Ông nhận xét thế nào về ý tưởng này ạ?

Bản chất hình thức dạy trực tuyến nó không hẳn là một mô hình mà là một công cụ.

Do đó, để đáp ứng với nhu cầu của phát triển và đổi mới trong giáo dục, các công cụ như học trực tuyến hoàn toàn có thể áp dụng một cách linh hoạt với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học. 

Những ý tưởng như mời chuyên gia, hoạt động nhóm vốn đã có từ trước. Tuy nhiên rõ ràng với những công cụ như Zoom, Google meet, việc mời các chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Theo tôi, việc này cần đặc biệt được phát huy, đặc biệt ở giáo dục đại học để có thể đáp ứng sát hơn nhu cầu của doanh nghiệp.

Một thực tế là hiện tại, giáo dục đại học chưa thực sự hiệu quả khi rất nhiều sinh viên ra trường phải làm trái ngành, sinh viên ra trường vừa thiếu và yếu về mặt kỹ năng khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại dẫn đến sự lãng phí cực lớn trong suốt 4 năm giáo dục đại học. 

Việc kết hợp giữa trường học và doanh nghiệp nên là việc được các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam ưu tiên và chú ý hơn. Tôi rất khuyến khích các trường mời những chủ doanh nghiệp chia sẻ nhiều hơn cho sinh viên trường mình, để nâng cao những kinh nghiệm thực tế, giúp các sinh viên thực sự trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong tương lai. 

Câu hỏi 5: Vậy người dạy, người học, và nhà trường sẽ phải chuẩn bị những gì khi áp dụng mô hình ODC, họ sẽ được hưởng những lợi ích gì từ hình thức học trực tuyến này? Và theo ông, ngoài ra còn có những hình thức học trực tuyến hữu hiệu nào, có thể tiếp tục áp dụng với học sinh, sinh viên sau khi đã quay trở lại trường không ạ

Theo tôi điều quan trọng nhất chính là tư duy của những người làm quản lý giáo dục, cụ thể ở đây là ban giám hiệu nhà trường. 

Ban lãnh đạo trường cần hiểu rằng đây có phải là mô hình phù hợp với mình không, mục đích sử dụng mô hình này để giải quyết những bài toán gì của nhà trường, nhà trường có thực sự quyết liệt áp dụng mô hình mới. 

Một số việc nhà trường cần chuẩn bị để áp dụng mô hình này là sẵn sàng đổi mới phương pháp dạy và học, có quy trình đóng gói khóa học để đảm bảo chất lượng bài giảng và đào tạo cho đội ngũ cán bộ giảng viên thích nghi với những công nghệ mới. Theo đó, vai trò của người giáo viên sẽ thay đổi đáng kể. Họ không chỉ là người hướng dẫn, đánh giá mà còn là người huấn luyện, gợi mở để giúp học sinh chủ động trong việc học tập. 

Nhà trường cũng cần dành các nguồn lực khác như hạ tầng công nghệ, hệ thống quản lý học tập (LMS) để đưa nội dung lên. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cung cấp 2 giải pháp LMS cho doanh nghiệp và trường học đang được rất nhiều đơn vị tin dùng, giải pháp Acabiz dành cho các trường đại học và Edubit dành cho các trung tâm đào tạo.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần phát triển chương trình học tập hỗ trợ blended learning (đào tạo kết hợp online và offline), lấy học viên làm trung tâm, có hệ thống đánh giá hiệu quả đào tạo và nâng cao hơn nữa là cá nhân hóa theo nhu cầu và khả năng của từng học sinh. 

Những lợi ích của mô hình này đã được chứng thực bằng những con số biết nói.

Hiện tại đã có khoảng 1000 trường đại học trên khắp thế giới cung cấp bằng cấp trên nền tảng ODC. Nền tảng tiêu biểu là Coursera với 40 triệu người đăng ký và edX với khoảng 20 triệu người dùng. 

Mô hình đào tạo này giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập của học viên, giúp họ chủ động thời gian học tập và tiếp cận nội dung và tài nguyên học tập dễ dàng ở bất kỳ đâu. 

Về phía nhà trường, việc theo dõi và đánh giá tiến độ cũng trở nên dễ dàng hơn với các hệ thống quản lý bài tập chi tiết giúp giáo viên theo sát được học viên từng ngày, từng tuần, cắt giảm đáng kể chi phí và thời gian theo cách làm truyền thống.

Bên cạnh hình thức ODC, nhà trường cũng có thể sử dụng linh hoạt rất nhiều công cụ bổ trợ việc dạy học như các trò chơi tương tác, bài trắc nghiệm tương tác, công nghệ VR và đặc biệt, hướng học viên tới việc làm chủ các công cụ số hiện đại để giúp họ sẵn sàng thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ.

Với trạng thái bình thường mới, ODC nên được tính đến như một giải pháp song hành cùng giảng dạy truyền thống, theo mô hình Blended learning, một xu thế đang khá thịnh hành trên thế giới. Điều này thuận lợi để triển khai, vì cả người học và người dạy đã có nhiều trải nghiệm, hiểu biết, và kỹ năng về dạy  -  học online trong thời gian ứng phó với dịch bệnh. Và để làm tốt được điều này, các nhà quản lý giáo dục cần phải tính toán tỷ lệ giảng dạy online/offline phù hợp cho mỗi loại môn học/học phần, mỗi chương trình đào tạo, sao cho đạt được những kết quả khả quan nhất.

Bài viết cùng danh mục

Bạn cần tư vấn website dạy học trực tuyến

Hãy để lại thông tin để chúng tôi gọi lại cho bạn

Vui lòng nhập Họ và tên

Vui lòng nhập Số điện thoại