Phương pháp học tập chủ động và tư duy phản biện

Phương pháp học tập chủ động ở Mỹ là như thế nào?

  • Đọc bài trước khi đến lớp luôn là điều cần thiết!

Từ những ngày học ở Việt Nam đến tận lớp 10, mặc dù cũng nhận biết được việc đọc sách và chuẩn bị bài trước khi đến lớp là một thói quen mà mỗi học sinh nên rèn luyện và duy trì để có thể thu được hiệu quả học tập tốt nhất.

Tuy vậy, thói quen soạn bài trước ngày học cũng chính là một trong những kĩ năng mà hầu như các bạn trẻ Việt Nam đều thiếu. Có lẽ lí do nằm ở việc nước ta chưa thật sự đẩy mạnh phương pháp học tập này và xây dựng những mô hình lớp học mang tính chủ động nhiều hơn là chỉ nghe lời giảng từ giáo viên.

Chính sự thụ động trong phương pháp giảng dạy này ở Việt Nam đã làm tôi hơi “chững” lại một chút trong thời gian đầu trải nghiệm phương pháp học tập tại Mỹ lần đầu tiên. Trong một lớp văn học tiếng anh ở trường trung học, tôi đã được làm quen với việc phải đọc sách/truyện trước khi đến lớp để có thể tham gia và cuộc thảo luận, trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung câu chuyện cùng giáo viên và các bạn cùng lớp khác.

Tự học

 

Có thể thấy, đây là cách học yêu cầu sự chuẩn bị bài từ trước của học sinh để lớp học có thể diễn ra thật sôi nổi và sinh động thay vì kiểu học mang đầu “rỗng” đến lớp và chờ bài giảng từ giáo viên. Bằng cách này, không những học sinh có cơ hội thoải mái trình bày ý kiến và câu hỏi cá nhân mà còn tiết kiệm được thời gian học lại bài sau khi về nhà.

 

Có thể thấy rằng nếu chúng ta được tham gia tranh luận về nội dung bài học trong thời gian ở lớp thì lượng kiến thức ấy sẽ dễ dàng được hấp thu vào trí óc nhanh và dễ dàng hơn là kiểu học phần lớn dựa vào ghi chép từ bài giảng của giáo viên.


 

  • Luôn tham gia vào bài học và biết cách đặt câu hỏi!

Vì sao?

Từ ngày bước vào môi trường học tập ở đại học, tôi càng nghiệm ra được tầm quan trọng to lớn của phương pháp học tập chủ động và sự tự học của bản thân để tạo ra hiệu quả học tốt nhất. Khác với trung học, đại học là một môi trường khắc nghiệt đòi hỏi tính tự giác và nghiêm túc của học sinh trong việc học hơn rất nhiều và không ai có thể giúp bạn vươn lên ngoài chính bạn!

Ở đại học, mỗi giảng đường có thể lên tới 300-400 học sinh (hoặc có thể nhiều hơn tuỳ vào trường hoặc môn học) và điều đó cũng có nghĩa là một giáo sư sẽ không thể nào dành sự quan tâm hay chú ý đến cụ thể một học sinh nào cả.

Do đó, tinh thần tự giác của học sinh là rất cần! Sự tự giác ấy sẽ đến từ việc ta đọc những trang sách hay tài liệu được dặn trước khi đến lớp và chuẩn bị sẵn trong đầu những câu hỏi hoặc đánh dấu lại những phần làm ta cảm thấy khó hiểu. Thậm chí, dù không dặn trước nhưng giáo sư sẽ luôn tự hiểu rằng sinh viên phải có trách nhiệm đọc qua nội dung bài giảng của ngày hôm sau trước khi đến lớp vì sở dĩ thời gian cho 1 tiết học (thường là 1 tiếng rưỡi) thật sự sẽ là không đủ cho giáo sư giải thích hết tất cả nội dung bài học một cách thật chi tiết.

Do vậy, nếu ta đến lớp với tâm thế đã có sẵn một phần bài giảng trong đầu và việc đến nghe giảng sẽ chỉ để làm rõ hơn bài học và đặt ra những thắc mắc của mình với giáo sư thì 1 tiếng rưỡi ấy sẽ được dùng một cách có ích hơn! Ngược lại, nếu ta đến trường với trạng thái thụ động chờ đợi bài giảng từ thầy cô thì khó có thể tránh được trường hợp kiến thức “vào trai tái rồi lại ra tai phải”, đấy là còn chưa kể đến việc chỉ liên tục nghe giảng sẽ rất dễ gây buồn ngủ vì thời lượng của một tiết học ở đại học khá dài.

Về phía bản thân, tôi đã rút ra được những bài học quý giá khi tự mình trải nghiệm những hậu quả khôn lường từ việc thiếu tính chủ động trong học tập. Cụ thể hơn, trong năm nhất đại học tôi đã từng học môn Business Ethics and Society (tạm dịch là Đạo Đức Kinh Doanh) và đó chính là một lớp học đòi hỏi sự chuẩn bị bài và tự học rất cao.

Thế nhưng do chủ quan và không có thói quen đọc tài liệu trước khi đến lớp từ xưa, tôi đã trở nên rất thụ động trong lớp vì môn học được thiết kế theo phương pháp học trao đổi và thảo luận những case studies (là phương pháp học dựa trên sự sự phân tích những tình huống hay sự việc có thật trong thực tế nhằm nâng cao tính ứng dụng của những lý thuyết trong bài học). Trong lớp, giáo sư sẽ đưa ra tình huống và dẫn dắt những câu hỏi thảo luận đầu tiên để học sinh có thể tự tranh luận cùng nhau và đặt câu hỏi ngược lại.

Phương pháp học tập chủ động ở Mỹ là như thế nào?

Để làm được điều này, tất nhiên mỗi học sinh cần nắm sơ qua về lý thuyết bài học cũng như tài liệu liên quan đến nội dung bài học để có “vốn” mà đem ra thảo luận trong lớp. Do thiếu đi sự chuẩn bị này, tôi trở thành một cá nhân im lặng trong lớp và chỉ biết xem các bạn sôi nổi tham gia vào bài học.

Chính vì lí do đó, tôi đã quyết tâm thay đổi! Ngoài chuyện phải chăm chỉ hơn trong việc đọc bài mỗi tối trước khi đến lớp, tôi còn tập thói quen ghi chú, tóm tắt lại những gì bản thân cho là quan trọng vì sỡ dĩ không ai có thể thuộc nằm lòng được hơn cả trăm trang sách cả, quan trọng là ta phải biết tìm ra trọng tâm của bài học.

Tiếp đến, tôi tự soạn ra list những câu hỏi để có thể trình bày trên lớp hoặc để dành gặp giáo sư sau giờ học nếu không đủ thời gian ở lớp. Khi đến trường, tôi trở nên mạnh dạn hơn trong chuyện hỏi han trao đổi bài với những người bạn kế bên rồi dần dần cố gắng kết thân và học nhóm cùng với những người bạn nổi trội thông minh trong lớp để tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân mình.

  • Tư duy phản biện:

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng: bạn hãy tập cách phản biện khi cảm thấy chưa phục với ý kiến của ai đó. Thay vì chỉ tiếp nhận suông những kiến thức từ giáo viên thì việc ta chủ động nói ra những điểm ta không đồng tình hay góp ý giúp hoàn thiện hơn không những càng làm cho lớp học trở nên thú vị mà còn giúp ta được trải nghiệm cảm giác làm chủ bản thân.

Các bạn có bao giờ về nhà sau một buổi học với tâm trạng bức bối và khó chịu vì cảm thấy không cùng quan điểm với cách phân tích hay chấm điểm của giáo viên? Tôi cá rằng đa số chúng ta đều vậy. Nếu bạn thắc mắc hay tin tưởng rằng công sức của chúng ta xứng đáng được đánh giá cao hơn hay muốn chứng minh cho giáo viên thấy cách phân tích của họ có phần chưa đúng thì hãy mạnh dạn NÓI!

Ở Mỹ, sẽ chả ai trách cứ bạn khi bạn cố gắng muốn giảng giải hay thuyết phục ý kiến cá nhân của mình. Mọi ý kiến đều được tôn trọng! Và tất nhiên, ta cũng cần phải học cách biểu đạt quan niệm cá nhân một cách lịch sự, rành mạch rõ ràng đề người nghe vừa dễ nắm bắt mà vừa cảm thấy không bị xúc phạm.

Không chỉ vậy, việc ấy còn thể hiện được rằng bạn là một người có chính kiến, ham học hỏi và biết đâu cũng có thể giúp bạn ghi điểm trong mắt các giáo sư!

theo: sưu tầm

Bài viết cùng danh mục

Bạn cần tư vấn website dạy học trực tuyến

Hãy để lại thông tin để chúng tôi gọi lại cho bạn

Vui lòng nhập Họ và tên

Vui lòng nhập Số điện thoại